Cấu trúc bài viết ảnh hưởng như thế nào tới kết quả SEO? Tìm hiểu thêm về các phần của một trang web chuẩn SEO, mẹo viết từng phần và cách tránh cách trục trặc thường gặp.
Khi xây dựng nội dung cho một trang web, cấu trúc bài viết thường ít được chú ý tới. Tuy nhiên, cấu trúc này mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút lượng truy cập cũng như tăng trải nghiệm của người đọc, kết quả là cải thiện thứ hạng trên kết quả công cụ tìm kiếm. Hãy cùng tìm hiểu trang web có cấu trúc chuẩn SEO thỏa mãn những điều kiện gì nhé!
Tầm quan trọng của cấu trúc bài viết chuẩn SEO
1. Cấu trúc bài tốt làm tăng thứ hạn của web trên trang kết quả tìm kiếm: Google không hiểu được nội dung bài viết của bạn một cách trực tiếp mà điều này được thực hiện qua các Googlebot (Google Spider). Các con bọ này sẽ ghé thăm trang web của bạn, thu thập thông tin qua keyword, title, description, link,... cũng như bố cục của bài (crawling) để kết luận trang của bạn viết về gì (indexing) và sẽ nằm ở đâu trên trang kết quả tìm kiếm.
2. Cấu trúc tốt cải thiện trải nghiệm của người dùng: Bố cục rõ ràng giúp người đọc nắm được nội dung bài viết dễ dàng, dẫn dắt họ theo ý muốn của bạn, tạo ấn tượng tốt về thương hiệu. Đồng thời, người đọc dành nhiều thời gian lưu lại trang web hơn, bookmark, chia sẻ bài viết, dẫn tới tăng sự tin cậy của Google đối với trang web của bạn, tức tăng thứ hạng trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs).
3. Websites chuẩn SEO có được sitelinks:
Sitelinks giúp web của bạn chiếm được nhiều không gian hơn trên SERPs, đồng thời giúp người dùng hiểu được website của bạn viết về cái gì. Những web xếp hạng cao nhất trên trang kết quả tìm kiếm thì có cơ hội được hiển thị sitelinks. Tuy nhiên, chỉ có những trang có cấu trúc tốt theo SEO thì những link này mới được hiển thị, các link cũng không phải do chủ trang web quyết định mà do Google chọn ra thông qua quá trình crawling và indexing.
Các thành phần của một trang web chuẩn SEO
Một trang web hoàn thiện nhất sẽ có bố cục như sau: Tiêu đề, mô tả, mục lục, các heading và nội dung.
1) Thẻ tiêu đề (Title tag):
Thẻ tiêu đề là một phần tử HTML thể hiện tiêu đề của trang web. Title tag được hiện trên trang kết quả tìm kiếm, thể hiện nội dung của trang một cách ngắn gọn và chính xác.
Tiêu đề là ấn tượng đầu tiên của người dùng đối với trang của bạn. Nó mang ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định có click vào trang web hay không. Ngoài hiển thị ở trang SERPs, Title tag còn là tên của tab trên thanh tiêu đề của trình duyệt, làm tên của trang khi được chia sẻ qua mạng xã hội.
Cách viết một tiêu đề hiệu quả:
- Chú ý đến số lượng kí tự: Độ dài title được hiện thị trên SERPs trung bình là 60 kí tự, phần còn lại sẽ bị cắt đi và thay bằng dấu "...". Gọi là trung bình vì một số kí tự chiếm độ dài nhiều hơn (VD: "W" chiếm nhiều không gian hơn "i"), nên đôi lúc con số này có thể thay đổi như 30,40,70,... kí tự. Lời khuyên là nên giữ tiêu đề của bạn dưới 60 kí tự và tránh viết in hoa.
- Đặt từ khóa quan trọng ở gần đầu: Nghiên cứu của Moz cho thấy người dùng có xu hướng scan qua tiêu đề, đôi lúc chỉ một hai từ đầu tiên. Thế nên việc đặt những từ đánh vào nhu cầu của người dùng, từ mang tính thương hiệu của trang vào vị trí "mở hàng" là điều rất cần được chú ý.
- Không SEO quá đà: Title không nên là một dãy các từ khóa, giống như: "Tạo web, lập web miễn phí, cách lập web, web google miễn phí". Điều này có thể gây phản tác dụng, không chỉ đối với người đọc, mà công cụ tìm kiếm Google cũng sẽ không đánh giá cao bài viết của bạn.
- Đặt tiêu đề hướng tới người đọc: Hướng tới người đọc bao gồm: cho họ thấy nội dung của bạn có giá trị và kích thích vào lòng tò mò của họ. Thêm những từ gợi cảm xúc tiêu cực hay tích cực, số lẻ, bắt trend, đặt ra câu hỏi là một số cách có hiệu quả.
- Thêm tên thương hiệu vào cuối tiêu đề: Nếu bạn có một thương hiệu lớn thì đây là cách quá tốt để thu hút người dùng. Ngoài ra, việc bổ sung tên thương hiệu giúp tăng sự tin tưởng của Google và quảng bá đối với khách hàng tiềm năng. Lưu ý rằng Google có thể lọc ra tên thuơng hiệu để hiển thị và cắt bớt phần giữa tiêu đề .
Cụ thể hơn về cách đặt tiêu đề, bạn có thể xem tại >đây.
Một rắc rối thường gặp là trong một số trường hợp tiêu đề trên trang SERPs sẽ không khớp với tiêu đề mà bạn đặt. Nguyên nhân có thể là: Title bị ô nhiễm từ khóa; nội dung của trang thỏa mãn thuật toán tìm kiếm nhưng tiêu đề được đặt lại không liên quan; trang có title khác trên Facebook, Twitter,...
2) Mô tả (Meta description):
Meta description là một thuộc tính HTML cung cấp đoạn tóm tắt về nội dung trang web. Google thường đặt phần mô tả ở dưới tiêu đề trên trang kết quả tìm kiếm, độ dài thường từ 155-160 kí tự.
Description của một trang không nhất thiết ảnh hưởng tới thứ hạng của nó trên SERPs nhưng lại là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới lượng truy cập. Đoạn văn ngắn này là cơ hội vàng để người viết quảng bá về nội dung trang web, đồng thời người đọc dựa vào đây để biết trang có thứ mình cần tìm hay không.
Sau đây là một số tip để viết một Description hấp dẫn:
- Thêm từ khóa một cách tự nhiên: Từ khóa trong mô tả nếu khớp với từ mà người dùng đã tìm sẽ được in đậm, vô cùng thu hút thị giác người tìm kiếm. Thế nên, hãy thêm những từ khóa càng khớp với xu hướng càng tốt, nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp với nội dung trang, sáng tạo để họ muồn click vào.
- Tránh dùng dấu ngoặc kép: Trên trang kết quả tìm kiếm, Google cắt bỏ phần mô tả kể từ dấu ngoác kép. Có thể ngăn điều này xảy ra bằng ký tự thực thể HTML.
- Đôi lúc không viết Description còn tốt hơn! Khi phần này bị bỏ trống, Google tự lọc ra một phần bài viết xoay quanh từ khóa được người dùng tìm. Nếu bạn nhắm vào nhiều nhóm từ khóa khác nhau, phần mô tả tự viết có thể không bao hàm mọi nội dung mà người dùng tìm kiếm được. Cách này sẽ rất hiệu quả nếu bạn không muốn bỏ sót đối tượng nào.
Hãy lưu ý rằng khi web của bạn được chia sẽ trên các trang mạng xã hội, phần mô tả của web mà bị bỏ trống thì thay vào đó, đoạn đầu tiên của bài viết thường được sử dụng làm mô tả.
Tương tự như Title tag, không phải lúc nào Google cũng sử dụng đoạn mô tả mà bạn cung cấp. Nếu Description không phù hợp với tìm kiếm của người dùng nhưng nội dung bài viết thì thỏa mãn, Google cũng thực hiện việc tự chọn ra đoạn mô tả khác tương tự như trên.
3) Mục lục (Table of Content):
Mục lục giúp người đọc dễ theo dõi nội dung của bài viết, tìm tới phần họ muốn tìm nhanh chóng, dễ dàng, nhất là đối với những bài viết dài. Trang web có mục lục thì chuyên nghiệp hơn, cải thiện trải nghiệm cho người đọc.
Nếu bạn không rành về code HTML, bạn có thể tạo mục lục cho bài viết thông qua các plugin, thông dụng là plugin Table of Content Plus.
4) Heading và nội dung
Heading của trang web bao gồm 6 loại với thứ bậc và tầm quan trọng giảm dần: H1, H2, H3, H4, H5, H6. Mặc dù không có chứng minh về liên quan trực tiếp giữa hệ thống thẻ H với thứ hạng của web trên SERPs, các Heading vẫn có vai trò quan trọng trong việc thể hiện rõ nội dung bài viết đối với người đọc cũng như với công cụ tìm kiếm Google.
Một hệ thống Heading Tag chuẩn sẽ thể hiện tốt khung xương của bài viết, làm giao diện của trang web thân thiện hơn. Với những người đọc có xu hướng đọc lướt, việc chọn nội dung hợp lí cho các thẻ H sẽ nắm bắt được yêu cầu của họ.
Sau đây là cách xây dựng nội dung cho Heading:
- Heading 1:
H1 thường được dùng làm nhan đề cho trang web. Thẻ H này phải chứa từ khóa quan trọng nhất, có thể giống hoặc khác title tag. Việc sử dụng nhiều H1 trong một bài không phải là không thể nhưng sẽ làm Google bối rối, ảnh hưởng đến thứ hạng trên SERPs. Vì mang vai trò bao quát nội dung toàn bài, quyết định người đọc muốn xem hay không, H1 không nên quá dài. Bạn có thể thêm một đoạn mô tả ở dưới H1 để đảm bảo không thiếu nội dung.
- Các thẻ H còn lại:
Thẻ H2 sẽ được dùng làm tên tiêu đề cho từng chương của bài viết, tức các ý nhỏ của H1, thẻ H3 là các ý nhỏ của H2,... và tương tự như vậy. Không có giới hạn cho số thẻ H2-H6 được sử dụng, nhưng cũng không nên lạm dụng các Heading này để nhấn mạnh từ vì gây thiếu cân đối, thay vào đó nên dùng in đậm hay in nghiêng. Các H2, H3 nên chứa từ khóa phụ nhưng từ H4 thì không nhất thiết, chỉ cần thể hiện rõ dàn ý của bài là được.
Một số lưu ý ở đây là không nên đặt Heading quá dài, không nên lạm dụng thêm từ khóa không cần thiết, không nên viết các Heading trùng lặp. Suy cho cùng thì các thẻ H chỉ giữ nhiệm vụ làm nổi bật bố cục, bổ trợ cho nội dung của trang web, tập trung vào bài viết để hướng đến người dùng mới là điều quan trọng nhất.
- Nội dung:
- Số lượng từ của bài: Nguyên tắc chung là càng dài càng tốt. Một bài viết càng dài thì càng được Google đánh giá cao vì cung cấp nhiều thông tin, hướng tới người dùng chứ không phải là trang web makerting để bán sản phẩm. Cần tối thiểu 200 tới 300 chữ trong một bài để Google hiểu được bạn đang viết về gì. Cũng có nghiên cứu cho rằng bài viết từ khoảng 2000 từ trở lên thì sẽ đạt hiệu quả SEO cao nhất. Nhưng trong thực tế thì không cần viết dài đến như vậy. Bạn chỉ cần điều tra đối thủ của mình dùng bao nhiêu từ thì viết dài hơn đó là được. Thông thường, để cạnh tranh với những trang web trong nước thì 500-700 từ đã là con số an toàn.
- Mật độ từ khóa: từ khóa nên có mật độ 2-5%, nếu quá nhiều sẽ làm giảm độ tin cậy của Google đối với trang web của bạn. Sử dụng từ đồng nghĩa với từ khóa (Semantic keyword) để tránh lặp nhiều lần cũng như làm lời văn mạch lạc hơn. Từ khóa cũng nên dàn trải toàn bài chứ không nên tập trung vào một chỗ.
- Độ dài câu văn: Không nên viết nhiều câu văn dài để người dùng dễ đọc hơn.
- Không đạo văn: thuật toán mang tên Google Panda sẽ phát hiện và phạt những trang copy nội dung cũng như nội dung không chất lượng nói chung. Google xác định tính trùng lập dựa trên code HTML, nếu trên 50% trang web của bạn không trùng lặp thì là an toàn. Nếu lấy nội dung từ trang web khác phải ghi nguồn trích dẫn để tăng uy tín.
- Sử dụng Anchor text: Anchor text là đoạn văn bản (hoặc hình ảnh) có chứa link dẫn tới trang web khác. Thêm link cho bài viết của bạn dẫn tới những trang web nội bộ để dẫn hướng người đọc tới trang khác trên website của bạn. Ngoài ra, các anchor link chỉ cho Google thấy sự liên quan của các trang web, tăng thêm độ tin cậy của web hơn.
- SEO hình ảnh: Hình ảnh có chất lượng làm cho trình bày trang web hấp dẫn hơn, thêm sống động và bớt nhàm chán. Làm tốt SEO hình ảnh còn giúp trang web đứng thứ hạng cao trong công cụ tìm kiếm Google Images. Bạn có thể xem thêm về cách chọn ảnh và tối sử dụng tối ưu hình ảnh ở >đây.
- Kết bài:
Kết thúc bài viết bằng một đoạn văn ngắn tóm tắt lại nội dung toàn bài viết, nhất là bài viết dài và có nhiều ý, để người đọc nắm lại cái mà bạn muốn truyền đạt. Thêm thông tin doanh nghiệp hoặc tác giả vào phần cuối này là phù hợp nhất để quảng bá cho thương hiệu của bạn.
Tóm lại
Việc xây dựng một cấu trúc tốt cho trang web cần được thực hiện trước khi bắt tay vào viết nội dung để có thể tạo được một trang web có thứ hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm. Có nhiều thủ thuật để giúp cấu trúc trang web đạt chuẩn SEO nhưng hay nhớ rằng trang web càng hấp dẫn trong mắt người đọc thì càng được Google đánh giá cao. Một cấu trúc tốt sẽ quyết định lượng truy cập và ảnh hưởng đến số lượng khách hàng tiềm năng của bạn sau này.