DDoS là cuộc tấn công thường gặp từ tội phạm mạng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động website trong một khoảng thời gian và làm giảm uy tín hình ảnh thương hiệu của bạn trên thị trường trực tuyến.
Tấn công DDoS là gì?
DDoS (distributed denial of service) là một hình thức tấn công mạng mà trong đó, tội phạm sẽ thực hiện các hành vi làm gián đoạn hoặc ngừng đi hoạt động của hệ thống, dịch vụ, website thông qua việc áp đảo nó với lưu lượng lượt truy cập lớn từ nhiều nguồn khác nhau.
Cụ thể, kẻ tấn công sẽ sử dụng một mạng lưới bao gồm các máy tính bị xâm nhập (được gọi là "botnet) để gửi lượng lớn yêu cầu dữ liệu đến mục tiêu.
Khi đó, mục tiêu không có khả năng xử lý tất cả mọi yêu cầu dữ liệu được gửi đến cùng một lúc, gây ra tình trạng quá tải và ngừng hoạt động.
Tấn công DDoS ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của đơn vị, đem lại những thiệt hại nghiêm trọng như mất doanh thu và dữ liệu, cuối cùng làm giảm uy tín trên thị trường trực tuyến.
Những hình thức tấn công DDoS thường gặp
DDoS có nhiều hình thức tấn công khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu và cách mà tội phạm sử dụng, bao gồm:
- Volume-based attack (tấn công dựa trên lưu lượng): Đây là hình thức tấn công khiến mục tiêu bị áp đảo bởi một lưu lượng lớn lượt truy cập.
- Protocol attack (tấn công giao thức): Đây là hình thức tấn công hướng tới các điểm yếu trong giao thức mạng.
- Multi-vector attack (tấn công kết hợp): Đây là hình thức tấn công kết hợp các phương pháp khác nhau, giúp tối đa hoá tác động lên mục tiêu và gây khó khăn hơn cho hệ thống phòng thủ.
Phòng ngừa tấn công DDoS ra sao?
Hiện nay, các cuộc tấn công DDoS ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi, điều này đòi hỏi mọi đơn vị đều cần có biện pháp phòng ngừa cũng như bảo vệ mạnh mẽ cho hệ thống của mình.
Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa tấn công DDoS:
Sử dụng tường lửa và thiết bị bảo mật
- Firewall (tường lửa): Sử dụng tường lửa và thiết lập các quy tắc nhằm lọc cũng như chặn các lưu lượng đáng ngờ từ nguồn truy cập không tin cậy.
- WAF (web application firewall): WAF giúp bảo vệ ứng dụng web thông qua phương pháp lọc và giám sát lưu lượng HTTP.
- IDS/IPS (intrusiondetection/prevention systems): Hệ thống này giúp phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công dựa trên những hành vi đã biết.
Sử dụng dịch vụ chuyên chống DDoS
- DDoS protection service: Sử dụng dịch vụ chuyên chống DDoS từ các nhà cung cấp, giúp lọc ra và hấp thụ những lưu lượng tấn công trước khi nó đến máy chủ của bạn.
- CDN (content delivery network): Sử dụng CDN nhằm phân phối lưu lượng truy cập đến nhiều máy chủ trên toàn cầu, giúp làm giảm tác động của các cuộc tấn công DDoS nhắm vào một vị trí nhất định.
Đảm bảo tối ưu hóa tài nguyên mạng và hệ thống
- Load balancer (bộ cân bằng tải): Sử dụng bộ cân bằng tải nhằm phân phối lưu lượng truy cập đến nhiều máy chủ khác nhau, giúp tăng cường khả năng chịu đựng cho hệ thống.
- Scale up/out: Đảm bảo hệ thống của bạn có khả năng mở rộng tài nguyên nhanh chóng khi cần thiết, giúp chống lại các cuộc tấn công DDoS một cách hiệu quả.
Giám sát và phát hiện sớm
- Real-time monitoring: Giám sát lưu lượng mạng và hành vi của hệ thống thường xuyên nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của một cuộc tấn công DDoS sắp xảy ra.
- Traffic analysis: Thực hiện các cuộc phân tích giúp nhận diện lưu lượng truy cập bất thường có khả năng chỉ ra một cuộc tấn công DDoS.
Quy định về chính sách bảo mật
- Rate limiting: Áp dụng giới hạn tốc độ để kiểm soát số lượng yêu cầu mà một IP hoặc người dùng có thể gửi trong khoảng thời gian nhất định, giúp giảm thiểu khả năng tấn công DDoS.
- Access control lists (ACLs): Lập một danh sách chỉ cho phép các IP hoặc vùng địa lý nhất định truy cập vào hệ thống của bạn.
Lên kế hoạch ứng phó sự cố
- Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố nhằm nhanh chóng phát hiện, phản ứng và làm giảm tác động của các cuộc tấn công DDoS lên hệ thống.
- Lập ra các phương án dự phòng và chuyển đổi (failover) để chắc chắn rằng dịch vụ vẫn có thể tiếp tục hoạt động kể khi một phần hệ thống bị tấn công.