Thực tế cho thấy trước hết các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi “trời” cứu thông qua triết lý “tắc kè hoa”: phải tự thay đổi, tự thích nghi với môi trường kinh doanh mới để tồn tại.
Khủng hoảng kinh tế trong mùa dịch đã để lộ ra nhược điểm chết người của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, đó là tư duy kinh doanh theo kiểu “đổ trứng vào một rổ”. Nhiều doanh nghiệp cứ mắt nhắm mắt mở chạy theo thị trường, thấy doanh nghiệp khác làm ăn được thì nhảy vào tranh phần.
Ngành du lịch có thời kỳ rầm rộ tập trung vào lượng du khách đến từ Châu Âu, sau đó là Trung Quốc rồi Hàn Quốc mà bỏ rơi nhiều thị trường tiềm năng khác. Nhiều thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt..., mọc lên hằng hà sa số khách sạn, homestay lớn nhỏ, bất kể được cảnh báo lượng cung đã vượt cầu. Trong các ngành công nghiệp khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên vật liệu của một nhà cung ứng với lý do giá rẻ, nên khi nhà cung ứng gặp trục trặc thì doanh nghiệp thiệt hại rất nặng nề, chưa kể lâm vào tình cảnh phá sản.
Triết lý "Tắc kè hoa"
Nhiều nhà kinh tế lấy hình tượng con tắc kè hoa: luôn thay đổi để thích nghi với mọi môi trường sống; tự thay đổi bản thân để đối phó với các mối đe dọa. Doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần triết lý này để ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh.
Triết lý "Tắc kè hoa" cho doanh nghiệp. Ảnh: internet
Doanh nghiệp nên có nhiều kịch bản để ứng phó với mọi biến động trong kinh doanh. Dịch bệnh cũng chỉ là một trong những yếu tố làm thay đổi môi trường kinh doanh. Những thay đổi về thể chế, pháp luật, thuế khóa... cũng thường xuyên xảy ra nên doanh nghiệp trong bất cứ tình huống nào cũng phải sẵn sàng ứng phó, thích nghi với sự thay đổi đó để tồn tại và phát triển.
Trong điều kiện dịch bệnh dẫn đến sản xuất kinh doanh trì trệ như hiện nay, doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi để cứu mình. Không thể đổ lỗi hết cho thị trường bất lợi để lý giải cho sự yếu kém, chậm thích nghi của doanh nghiệp mình.
Đối với các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hiện nay, ông Tuấn Hà - TGĐ Vinalink, Chủ tịch CLB SEO Việt Nam cho rằng đây là lúc để doanh nghiệp nhìn lại các vấn đề nội tại; đo lường chất lượng các phòng ban để nâng cao hiệu suất làm việc; đầu tư chuyển đổi số; nghiên cứu sản phẩm mới hay tuyển dụng nhân sự; rà soát quản lý lại những chi phí bất hợp lý, gây lãng phí bấy lâu nay.
Đối phó với dịch, doanh nghiệp làm gì?
Một trong những chủ doanh nghiệp dịch vụ Fitness và thực phẩm sạch đã nghĩ ra cách đối phó trong mùa dịch để duy trì hoạt động kinh doanh của mình, đó là hệ thống Fitness của anh Văn Hùng, với tổng thiệt hại chỉ khoảng 20-50% trong mùa đại dịch vừa qua. “Dù thiệt hại nặng nhưng vẫn có cơ hội tồn tại”, anh Văn Hùng chia sẻ. “Tôi chỉ đóng cửa khi chính quyền yêu cầu và có người nhiễm Covid-19”, anh Hùng khẳng định cố gắng tới cùng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Để có thể hoạt động cầm chừng, anh Hùng đã linh hoạt chia phòng tập thành các không gian nhỏ để phục vụ riêng từng nhóm khách hàng nhỏ khoảng 4 khách/phòng. Việc này giúp khách hàng có sự riêng tư, tránh sự đông đúc đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Ý tưởng của anh Hùng trong bối cảnh các ngành, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 được đánh giá cao.
“Lúc khó khăn cũng chính là lúc có thời gian nói chuyện tâm sự nhiều hơn với khách, gia tăng những trải nghiệm cho khách hàng nhiều nhất, chăm sóc khách hàng tốt nhất."
Trong giai đoạn hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều phải điều chỉnh ngay chiến lược phát triển của mình theo hai kịch bản: kịch bản vượt qua khủng hoảng và kịch bản hậu khủng hoảng.
Với kịch bản vượt qua khủng hoảng, chiến lược sản xuất kinh doanh phải bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức chấp nhận được, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thậm chí chấp nhận thua lỗ từng giai đoạn để giữ được nguồn nhân lực chủ chốt, giữ được thị trường và khách hàng.
Với kịch bản hậu khủng hoảng, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế thị trường bùng nổ trở lại sau dịch, tận dụng được thời cơ để phát triển, hồi phục. Thay đổi một cách thái quá: mạnh tay cắt giảm tiền lương, sa thải hàng loạt, đóng cửa nhà máy... sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mất cơ hội khi thị trường dần hồi phục sau dịch vì thiếu nguồn lực cần thiết để phục vụ sản xuất.